Quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà trọ, nhà cho thuê. Mức xử phạt vi phạm và trách nhiệm của chủ nhà trọ và người thuê trọ về việc PCCC. Tất cả sẽ được NP Space chia sẻ trong bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý PCCC
- Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, sửa đổi, bổ sung 2013;
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Quy định về PCCC đối với nhà trọ
2.1 Các trường hợp phải xin giấy phép PCCC đối với nhà trọ, nhà cho thuê
Theo Phụ lục V của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định rõ nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà trọ thuộc các trường hợp sau phải tiến hành thẩm duyệt thiết kế về PCCC, tức là phải xin giấy phép chứng nhận đủ điều kiện về PCCC theo quy định:
UBND TP. Cần Thơ yêu cầu tăng cường PCCC tại chung cư, nhà trọ. Nguồn: Báo Cần Thơ.
- Trường hợp 1: Nhà tập thể, nhà chung cư, nhà ở ký túc xá và nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên;
- Trường hợp 2: Nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên.
Như vậy, trường hợp kinh doanh nhà trọ hoặc cho thuê nhà để làm nhà trọ, cơ sở kinh doanh, nhà nghỉ, nhà khách… thuộc 2 trường hợp trên đều phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy.
2.2 Các trường hợp không phải xin giấy phép PCCC đối với nhà cho thuê
Nhà trọ, nhà cho thuê thuộc các trường hợp được quy định tại Phụ lục III của Nghị định 136/2020/NĐ-CP không phải xin giấy phép PCCC nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện về PCCC tại cơ sở theo quy định, bao gồm:
- Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên;
- Nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 2.500m3 trở lên;
- Nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500m3 trở lên;
- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500m3 trở lên;
- Nhà trọ, cơ sở lưu trú khác cao từ 3 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.000m3 trở lên.
Quy định về PCCC đối với cơ sở được quy định như sau:
- Có bảng nội quy, biển báo, biển cấm về PCCC; có sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn theo quy định của Bộ Công an hoặc phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC;
- Có phương án chữa cháy được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy tại chỗ theo quy định;
- Hệ thống điện, chống tĩnh điện, chống sét, thiết bị sử dụng điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại cơ sở phải đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định của Bộ Công an hoặc phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC;
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, hệ thống liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, các phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về chất lượng, số lượng theo quy định của Bộ Công an hoặc phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.
Nhà trọ, nhà cho thuê quy mô hộ gia đình nhỏ hơn không thuộc các trường hợp được quy định tại phụ lục V và phụ lục III kể trên không phải xin giấy phép PCCC nhưng cần tuân thủ các điều kiện về PCCC như sau:
- Nhà trọ, nhà cho thuê kinh doanh phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu và nơi thờ cúng đảm bảo an toàn, các chất dễ gây cháy, nổ phải cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chủ nhà phải chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy;
- Có bản nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa, sử dụng các chất dễ cháy, nổ phù hợp với các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có giải pháp thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lưu ý:
Chủ nhà trọ, chủ nhà cho thuê phải tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC và duy trì các điều kiện về đảm bảo an toàn PCCC trong suốt thời gian hoạt động.
3. Trách nhiệm PCCC của kinh doanh nhà trọ, nhà cho thuê và người thuê
3.1 Đối với chủ kinh doanh
- Tham gia các lớp tập huấn và rèn luyện các kỹ năng, biện pháp về PCCC;
- Gắn điều lệnh quy định PCCC cho nhà trọ, nhà cho thuê;
- Trang bị các thiết bị phòng cháy nổ, bình chữa cháy, các phụ kiện hỗ trợ như búa thoát hiểm, mặt nạ khí, đèn sự cố…;
- Thường xuyên nhắc nhở người thuê thực hiện đúng các quy định về PCCC;
- Kiểm tra định kỳ nhà trọ để sớm phát hiện kịp thời những nguy cơ cháy nổ;
- Phối hợp với các ban ngành và người dân xung quanh để có cách ứng phó với trường hợp cháy, nổ xảy ra.
3.2 Đối với người thuê
- Chấp hành đúng, tốt các quy định về PCCC;
- Nắm vững các kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC;
- Có ý thức đảm bảo an toàn phòng nguy cơ cháy, nổ cho bản thân và mọi người xung quanh;
- Phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu có thể phát sinh nguy cơ cháy nổ hoặc các hành vi vi phạm luật về PCCC.
4. Mức xử phạt vi phạm quy định về PCCC
Tùy từng trường hợp, hành vi vi phạm cụ thể mà có những mức phạt tương ứng (được quy định tại Điều 51 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP). Cụ thể như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với 1 trong những hành vi:
- Vi phạm quy định về an toàn PCCC để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
- Vi phạm quy định về PCCC gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
- Vi phạm quy định về PCCC gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này ở mức dưới 61%.
Biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm các quy định PCCC: Buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho nạn nhân bị thương tích.
Với các vụ việc nghiêm trọng tùy theo mức độ gây thương tích và thiệt hại tài sản, chủ phòng trọ, nhà cho thuê có thể bị khởi tố hình sự về tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.