Pháp Luật về hợp đồng thuê nhà hiện nay

Hợp đồng thuê phòng trọ lập ra để đảm bảo quyền lợi của các bên. Càng chi tiết về điều khoản thì càng giảm thiểu về rủi ro tranh chấp về sau. Thông qua bài viết này, NP Space sẽ giới thiệu cho bạn mẫu hợp đồng cho thuê phòng trọ đơn giản và chuẩn nhất ở thời điểm hiện tại. Mời bạn đọc theo dõi ngay!

1. Tìm hiểu về hợp đồng thuê trọ

1.1 Hợp đồng thuê trọ được hiểu như thế nào?

Hợp đồng thuê trọ được xem là hợp đồng thuê tài sản, là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê theo Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015.

Hợp đồng thuê phòng trọ giúp các bên biết được quyền và nghĩa vụ của mình. Nguồn: Mogi.vn. 

1.2 Nguyên tắc cơ bản của hợp đồng thuê trọ là gì?

Hợp đồng thuê trọ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

  • Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
  • Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
  • Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
  • Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
  • Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

2. Quy định pháp luật về hợp đồng thuê trọ

2.1 Mẫu hợp đồng thuê trọ mới nhất hiện nay

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về thuật ngữ hợp đồng thuê trọ. Tuy nhiên, tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Nhà ở 2014 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Từ đó, có thể hiểu hợp đồng thuê trọ là hợp đồng dân sự thông thường, được lập thành văn bản. Trong đó, bên cho thuê có nghĩa vụ giao trọ, còn bên thuê trọ được phép sử dụng trọ trong thời hạn hợp đồng đã thỏa thuận và có nghĩa vụ thanh toán tiền thuê trọ theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

2.2 Nội dung của hợp đồng thuê trọ

Căn cứ theo Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định về hợp đồng thuê nhà trọ phải đảm bảo những nội dung, bao gồm:

Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

  • Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên thuê và bên cho thuê.
  • Mô tả đặc điểm của nhà trọ giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.
  • Diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng.
  • Giá giao dịch nhà trọ nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá.
  • Trường hợp cho thuê, cho thuê mua nhà trọ mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.
  • Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp cho thuê, cho thuê mua, hợp đồng mua bán nhà trọ.
  • Thời gian giao nhận nhà trọ.
  • Thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà trọ được đầu tư xây dựng mới.
  • Thời hạn cho thuê, cho thuê mua ủy quyền quản lý nhà trọ.
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên.
  • Cam kết của các bên.
  • Các thỏa thuận khác.
  • Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
  • Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng.
  • Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

3. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến hợp đồng thuê trọ

3.1 Cơ quan nào sẽ giải quyết tranh chấp về hợp đồng thuê trọ?

Theo quy định của Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì những tranh chấp về giao dịch, hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân.

Khi thuê phòng trọ thì nên ký hợp đồng thuê phòng trọ nếu thuê dài hạn. Nguồn: Công ty Luật Minh Khuê.

Theo điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với tranh chấp về hợp đồng thuê trọ.

3.2 Hợp đồng thuê trọ có cần phải công chứng không?

Theo khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định, trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Như vậy, hợp đồng thuê trọ ở phải được lập thành văn bản nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp có yêu cầu từ các bên của hợp đồng. Tuy nhiên khuyến khích cá nhân, tổ chức khi thuê nhà chứng thực, công chứng hợp đồng thuê nhà để có thể đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thuê trọ. 

3.3 Cần phải lưu ý gì khi ký kết hợp đồng thuê trọ?

Một số lưu ý khi ký kết hợp đồng thuê trọ như sau:

  • Đọc kỹ thông tin của bên thuê và bên cho thuê

Đây là điều cơ bản đầu tiên cần lưu ý trong một hợp đồng cho thuê phòng trọ. Bạn phải biết rõ là mình đang thuê phòng trọ của ai, tổ chức nào, thông tin cá nhân của họ là gì. Như vậy thì sau này lỡ có sự cố sẽ dễ truy cứu trách nhiệm hơn. Tránh thuê phòng trọ ở những ngôi nhà đang xảy ra tranh chấp giữa nhiều bên, nhỡ nếu xảy ra rủi ro bạn sẽ là người bị mất toàn bộ số tiền cọc đã đặt. 

  • Chi phí thuê phòng trọ 

Cả hai bên đều cần xác nhận rõ số tiền bên thuê phải chi trả cho mỗi tháng. Ngoài chi phí thuê nhà ra thì còn những khoản phí nào thì cũng cần được thể hiện rõ trong hợp đồng cho thuê phòng trọ. Những điều khoản như thời hạn thanh toán tiền thuê hằng tháng là ngày nào, hợp đồng này sẽ có hiệu lực bao lâu cũng cần được đề rõ trong hợp đồng. 

  • Tình trạng tài sản đã bàn giao

Phòng trọ hiện nay sẽ được trang bị sẵn những món đồ nội thất cơ bản. Một căn phòng trọ có thể đã được nhiều người thuê trước đó và tình trạng tài sản có trong phòng trọ cũng đã hao mòn theo thời gian. Khi bàn giao, bạn cần xác nhận là những trang thiết bị đang trong tình trạng như thế nào, có hoạt động được không? Nếu không xác nhận tình trạng tài sản, bạn có thể sẽ phải chịu thiệt thòi nếu có sự cố hư hỏng thiết bị xảy ra. 

3.4 Không ký hợp đồng thuê trọ có vi phạm pháp luật không? Người cho thuê tự ý vào phòng trọ của người thuê có được không?

Về bản chất thì cho thuê trọ cũng giống như cho thuê nhà, vậy nên căn cứ Điều 121 Luật Nhà ở năm 2014 thì hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản có các nội dung được pháp luật quy định. Do đó, trường hợp thuê trọ nhưng không ký hợp đồng thuê trọ là không đúng quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định:

“Điều 22.

  1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
  2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
  3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”

Theo đó, việc tự ý vào trọ được xem là hành vi xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của người khác. Như vậy, việc người cho thuê tự ý vào phòng trọ của người thuê là vi phạm pháp luật về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2017.