Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, thì yếu tố tiên quyết là cần cơ chế, chính sách rõ ràng, nhất quán. Hiện Luật đất đai cũ đang tạo rào cản phát triển của thị trường do sự chồng chéo khiến nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế phát triển. Luật Đất đai ý cần lấy ý kiến công khai và rộng rãi và chỉ phê duyệt khi thực sự giải quyết được hết tất cả các vướng mắc. Chính bởi vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình sửa luật để ổn định phát triển dài hạn.
Về nguồn vốn tín dụng, không thể phủ nhận nền kinh tế nói chung, trong đó có bất động sản đang “khát” vốn. Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy dòng tiền cho nền kinh tế. Tiếp cận được nguồn vốn, các dự án bất động sản sẽ được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tín dụng được “bơm” vào bất động sản cần sự kiểm soát chặt chẽ. Nguồn vốn cần ưu tiên cho các dự án giá rẻ và nhà ở xã hội. Nhóm khách hàng của phân khúc này là người thu nhập thấp, công nhân, người lao động cần có chính sách hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc lại hoạt động và sản phẩm. Nhóm sản phẩm giá rẻ cần được quan tâm vì tính thanh khoản cao, sớm tạo ra được dòng tiền. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu điều chỉnh dự án, chú trọng phát triển nhà ở phù hợp nhu cầu thị trường để được hưởng các cơ chế hỗ trợ và dễ được phê duyệt hơn. Trong các danh mục dự án, doanh nghiệp cần rà soát để giữ lại những dự án có khả năng thực hiện được hoặc chuyển nhượng các dự án không đủ nguồn lực triển khai.
Nhìn nhận về những khó khăn của thị trường hiện tại, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất góp phần tạo nên những thách thức của thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại. Các thách thức này khiến bất động sản Việt Nam mất đi sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Nhà nước cần đưa ra những giải pháp thực tế, tạo ra những thay đổi để thu hút dòng vốn FDI vào bất động sản.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam
Các hội nghị tìm cách tháo gỡ cho thị trường thời gian qua là một trong những tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp bất động sản. Ông Khương đồng tình với ông Đính về những bất cập của Luật khiến pháp lý thị trường chưa được thông suốt. Hành lang pháp lý chồng chéo các luật lẫn nhau khiến dự án bất động sản không thể thực hiện nhanh chóng, khiến chi phí đầu vào cho doanh nghiệp tăng, ảnh hưởng tới lợi ích người tiêu dùng.
Cũng theo ông Khương, luật chồng chéo khiến các doanh nghiệp nước ngoài e dè đầu tư vào Việt Nam. Bởi nhóm đầu tư này chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Chính bởi vậy, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư. Để trở thành điểm dừng chân của dòng vốn FDI, Việt Nam cần thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường ở các phân khúc chủ đạo như nhà ở, bán lẻ, văn phòng, bất động sản công nghiệp… Do đó, cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để đầu tư vào các sản phẩm này.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, ông Khương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Vấn đề pháp lý và nguồn vốn khi được khơi thông sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.