Rất nhiều bạn sinh viên khi lên thành phố sinh sống và học tập chủ yếu sống trong những căn phòng trọ, chung cư mini. Để có thể tiết kiệm chi phí thuê phòng cũng như chi tiêu hàng tháng, các bạn sinh viên có những bí kíp thuê phòng rất riêng. Mời bạn tham khảo ngay những mẹo cực hay dưới đây của NP Space!
1. Cách tiết kiệm điện khi ở trọ cho mọi thiết bị
Có rất nhiều lý do cần tiết kiệm điện, đặc biệt là với những người thuê nhà trọ. Cụ thể:
Ở ghép phòng trọ cùng với bạn. Nguồn: Tingtong.vn.
1.1 Cách tiết kiệm điện tủ lạnh
- Điều chỉnh nhiệt độ ngăn đông và ngăn mát tủ lạnh hợp lý: với ngăn đông, nhiệt độ phù hợp nhất để làm đông thực phẩm là -12 đến -18 độ C. Với ngăn mát, nhiệt độ phù hợp nhất từ 3 – 4 độ C, không cần điều chỉnh nhiệt độ lạnh tối đa.
- Đặt tủ lạnh ở nơi thông thoáng, gió mát: hãy kê tủ lạnh cách tường ít nhất là 10cm để không gian đủ thoát nhiệt. Ngoài ra, để không khí lưu thông và chống ẩm, bạn nên kê tủ lạnh cách đất ít nhất là 5cm.
- Sắp xếp thực phẩm hợp lý: hãy để thực phẩm trong tủ lạnh thật ngăn nắp, có khe hở để không khí lạnh được lưu thông. Nên sử dụng thực phẩm bằng hộp kim loại thay cho đồ nhựa. Riêng thực phẩm còn nóng hãy để cho nguội hẳn rồi mới đặt vào tủ lạnh.
- Hạn chế tắt/bật tủ lạnh: để tiết kiệm điện, bạn nên hạn chế tắt/bật tủ lạnh và ngắt tủ lạnh thường xuyên. Khi đó, bộ phận làm lạnh phải mất thời gian và hiệu suất hoạt động để làm mát, làm đông tủ, gây tiêu tốn năng lượng điện cũng như làm giảm tuổi thọ của tủ lạnh.
- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên: việc này sẽ làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc. Hãy vệ sinh đầy đủ các bộ phận từ bề mặt dàn nóng, dàn lạnh, viên cao su, lưới lọc đến khay chứa nước…. để quá trình khuếch tán và trao đổi nhiệt của máy diễn ra hiệu quả hơn.
1.2 Cách tiết kiệm điện máy lạnh/ điều hòa
- Chọn vị trí lắp điều hòa hợp lý: để đảm bảo luồng khí lạnh được phân bổ đều trong phòng hãy lắp dàn điều hòa ở vị trí giữa phòng. Nên hạn chế lắp điều hòa ở những vị trí dễ gây thất thoát khí lạnh như cửa ra vào, góc phòng hay cửa sổ.
- Lắp đặt máy hút gió đúng cách: vị trí tốt nhất để lắp đặt máy hút gió là đối diện dàn lạnh và trên cao.
- Để nhiệt độ điều hòa phù hợp: để điều hòa hoạt động ổn định, tiết kiệm điện hiệu quả bạn hãy để máy ở mức nhiệt 24 đến 26 độ C. Đồng thời, khi bật điều hòa hãy mở quạt gió để thời gian làm mát phòng nhanh hơn.
- Chọn mua điều hòa sử dụng công nghệ Inverter: nếu nhu cầu sử dụng điều hòa nhiều, hãy chọn mua loại điều hòa có sử dụng công nghệ tiết kiệm điện Inverter. Với công nghệ này, khi máy lạnh đã làm lạnh vừa đủ sẽ hoạt động chậm lại vừa giúp nhiệt độ ổn định vừa hạn chế lãng phí điện năng tiêu thụ.
- Đóng kín cửa khi sử dụng máy lạnh: hãy đảm bảo cửa phòng luôn được đóng kín khi bật máy lạnh để tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng và tăng tuổi thọ của máy.
Một vài lưu ý khác:
- Vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa thường xuyên để máy hoạt động ổn định.
- Không tắt/bật hoặc ngắt điều hòa ra khỏi ổ điện liên tục.
- Chọn chế độ hẹn giờ tắt máy qua đêm hoặc chế độ sleep.
- Không nên để ánh nắng ngoài trời chiếu vào phòng khi sử dụng điều hòa.
1.3 Cách tiết kiệm điện thắp sáng
- Tắt đèn chiếu sáng khi không cần thiết: Tiết kiệm được 350.000đ/năm khi tắt 2 bóng đèn sợi đốt 100W trong 2 giờ mỗi ngày. Đặc biệt, việc sử dụng bóng đèn LED sẽ tiết kiệm tới 70% chi phí tiền điện.
- Tận dụng ánh sáng tự nhiên: ánh sáng tự nhiên vừa tốt cho mắt vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí khi sử dụng nhiều thiết bị chiếu sáng trong nhà.
- Chọn các thiết bị có “Nhãn năng lượng”: sử dụng những thiết bị chiếu sáng có nhãn năng lượng do Bộ Công Thương quy định sẽ giúp bạn tiết kiệm điện năng gấp nhiều lần.
- Sử dụng năng lượng thay thế: năng lượng mặt trời, năng lượng gió,… được sử dụng để tạo ra điện năng thay thế cho thủy điện.
- Lắp đặt thiết bị chiếu sáng đúng vị trí: nên lắp thiết bị chiếu sáng ở những vị trí đủ chiếu sáng cả không gian phòng.
1.4 Cách tiết kiệm điện máy giặt
- Chọn chế độ giặt đồ bình thường: giặt đồ bằng tay trước khi cho vào máy giặt và chọn chế độ giặt bình thường để giảm bớt điện năng tiêu thụ trong quá trình giặt.
- Không giặt nhiều quần áo trong một lần: việc giặt quá nhiều quần áo không chỉ không có không gian cho việc làm sạch quần áo mà còn khiến máy vận hành quá tải, nhanh bị hỏng và tiêu tốn nhiều điện năng trong một lần giặt.
- Chọn mua máy giặt thích hợp: nên chọn sản phẩm có chức năng giặt tiết kiệm điện (Economy Mode). Riêng máy giặt lồng ngang, hãy chọn mua sản phẩm có chức năng tạm dừng chu trình giặt để cho thêm quần áo để tiết kiệm điện năng khi sử dụng.
- Đặt máy nơi khô thoáng: đặt máy giặt ở vị trí bằng phẳng, khô thoáng sẽ tốt hơn những nơi mất cân bằng khiến thành máy và lồng giặt va vào nhau tạo tiếng ồn to, động cơ và mạch điện bị ảnh hưởng gây hao điện.
1.5 Cách tiết kiệm điện máy nóng lạnh
- Chọn dung tích bình phù hợp với nhu cầu: chọn dung tích bình càng lớn càng gây tiêu tốn điện năng. Vì thế, bạn nên chọn mua đúng máy nóng lạnh phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ví dụ, gia đình có 4 người và 2 phòng tắm thì nên lắp loại máy nóng lạnh 20 lít là thích hợp nhất.
- Không nên bật máy nóng lạnh 24/24: cắm điện bình nóng lạnh 24/24 vừa gây nguy hiểm, dễ rò rỉ điện vừa làm máy vận hành quá tải, tiêu tốn rất nhiều điện năng. Để đảm bảo an toàn, bạn nên đun nước nóng và ngắt điện trước khi sử dụng.
- Kiểm tra và bảo trì máy thường xuyên: dùng bút thử điện để thử đường uống nước, nguồn nước để phát hiện sự cố sớm nhằm giải quyết kịp thời, hạn chế xảy ra tai nạn và tiết kiệm chi phí.
2. Mẹo tiết kiệm nước hiệu quả cho phòng trọ
Đối với người đi thuê trọ thì việc tính toán tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày là một điều vô cùng cần thiết. Nhất là hiện nay khi giá điện nước tại những khu trọ chủ nhà thường thu khá cao, so với giá dân là cao hơn 2 – 3 lần.
Cách sửa vòi nước bị rò rỉ tại nhà đơn giản. Nguồn: Điện Máy Xanh.
Tuy nhiên nhiều gia đình, người đi thuê trọ cũng băn khoăn không biết dùng những cách nào để có thể tiết kiệm nước hiệu quả, đồng thời với đó là đồng hồ nước được lắp đặt đo có chính xác hay không.
2.1 Kiểm tra rò rỉ nước
Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng. Rất nhiều hộ gia đình, người đi thuê phản ánh rằng sử dụng nước rất tiết kiệm, khóa van nước cẩn thận khi không dùng đến và thận trọng khi đi ra ngoài. Nhưng hàng tháng chốt số nước thì hóa đơn vẫn nhiều, chỉ số trên đồng hồ nước vẫn cao, đến khi kiểm tra lại thì hệ thống đường nước thì phát hiện bị rò rỉ.
Việc rò rỉ nước thường xảy đến tại những mấu nối của thiết bị vệ sinh, bồn rửa mặt hay chính hệ thống nước được chôn phía trong tường mà người dùng không hề hay biết, hoặc tại chính vị trí đồng hồ nước bị rò rỉ. Điều này khiến đồng hồ nước hoạt động, quay liên tục, đồng hồ nước không dùng vẫn quay… vì thế là việc tiết kiệm của người sử dụng trở nên không hiệu quả.
2.2 Sử dụng vòi hoa sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn
Không chỉ theo đánh giá của giới thợ điện, thợ kỹ thuật thì việc sử dụng vòi hoa sen giúp tiết kiệm nước hơn rất nhiều so với việc sử dụng nước tại bồn hay chậu.
Bên cạnh đó việc sử dụng những loại vòi hoa sen thế hệ mới, sẽ giúp tiết kiệm nước lên đến 30% so với những dạng vòi kiểu cũ. Cũng vì thế mà bạn nên thường xuyên kiểm tra lại phần vòi hoa sen trong gia đình và thay thế với những sản phẩm hiện mới có tính tiện dụng cao hơn và đặt biệt không bị rỉ nước chính tại vòi hoa sen đó.
2.3 Sử dụng vừa đủ lượng nước cần thiết
Khi bạn sử dụng nước để làm bất cứ điều gì như phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cũng nên sử dụng lượng nước vừa phải, đủ dùng. Hay khi bạn rửa rau hay vo gạo cũng nên xả lượng nước vừa đủ tránh gây lãng phí.
Hay việc tái sử dụng nguồn nước tránh gây lãng phí, chẳng hạn việc nước vo gạo bạn có thể sử dụng để rửa bát. Và một bật mí nhỏ đó chính là việc sử dụng nước vo gạo rất có tác dụng làm sạch chén đĩa dính dầu mỡ, làm dầu mỡ tan nhanh hơn và khi bạn rửa lại bằng dầu rửa bát không còn dính nhờn.
2.4 Sử dụng nước cho các thiết bị gia đình hợp lý
Mỗi lần đi tiểu nếu bạn xả nước theo dung tích chứa của bồn cầu thì bạn đã lãng phí đi một lượng nước kha khá. Một ngày bạn và mọi người trong gia đình thường đi tiểu nhiều lần, vậy bạn hãy tính xem mình đã lãng phí bao nhiêu nước?
Để giảm lượng nước lãng phí, hãy để một chai nhựa vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu, cách xa hệ thống vận hành. Để giữ yên chai, nên đặt một lớp cát hoặc đá cuội dày khoảng 5cm vào trong mỗi chai nhựa, đổ nước đầy chai, và vặn chặt nút. Bạn cũng có thể mua loại phao nổi rẻ tiền và đặt vào ngăn chứa nước xả. Cách này giúp tiết kiệm khoảng 40 lít nước mỗi ngày. Khi lắp đặt hệ thống mới, bạn hãy mua bồn cầu tiết kiệm nước là được.